Xoài là một trong những loại cây ăn quả nhiệt đới quan trọng tại Việt Nam, nổi bật với hương vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng. Cây xoài thích hợp với khí hậu nhiệt đới và sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất pha cát đến đất nhiễm phèn. Việc trồng xoài đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho các gia đình nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng miền nam Việt Nam. Ngoài ra, xoài còn được sử dụng để làm cây bóng mát và che phủ đất, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xói mòn đất và bảo vệ môi trường.
Giới thiệu về ngành nông nghiệp trồng xoài
Xoài là cây ăn quả nhiệt đới, phần lớn mọi người đều cho rằng nguồn gốc cây xoài ở miền Đông Ấn Độ và các vùng giáp ranh như Miến Điện, Việt Nam, Malaysia. Xoài là cây ăn quả quan trọng, được trồng phổ biến ở Việt Nam. Ngoài lấy quả, xoài được trồng để lấy gỗ, làm cây bóng mát, cây cảnh và cây che phủ đất, chống xói mòn. Quả xoài có thể dùng lúc xanh và chín, tuỳ theo giống xoài mà có mùi vị khác nhau. Tuy nhiên, các quả xoài chín thường có màu sắc hấp dẫn, ăn ngọt, mùi thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Ở Việt Nam, xoài được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre…
Lịch sử và sự phát triển của ngành trồng xoài
Lịch sử
Cây xoài đã có mặt tại Việt Nam từ hàng trăm năm trước đây. Người ta tin rằng những hạt giống xoài đã được đưa từ miền Nam Ấn Độ vào Việt Nam thông qua các tuyến giao thông thủy. Từ đó, cây xoài đã được trồng và phát triển trong điều kiện khí hậu và địa lý của Việt Nam.
Cây xoài thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cây có thể sinh trưởng tốt trong nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây xoài thích ứng tốt nhất với đất có độ thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng. Các tỉnh ở miền nam Việt Nam được biết đến là những vùng trồng xoài phát triển mạnh.
Xem thêm ở link dưới đây...
Phát triển
Từ khi xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỷ 19, cây xoài đã nhanh chóng được phổ biến và trở thành một trong những loại cây ăn quả quan trọng nhất. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng xoài ở Việt Nam đã tăng từ khoảng 73,000 ha vào năm 2000 lên hơn 140,000 ha vào năm 2020. Đặc biệt, sản lượng xoài đã tăng từ khoảng 500,000 tấn vào năm 2000 lên hơn 1 triệu tấn vào năm 2020.
Hiện nay
- Diện tích trồng xoài của cả nước hơn 92.000 ha;
- Sản lượng hơn 790.000 tấn/năm;
- Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới;
Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 47.000 ha trồng xoài (Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích 12.106 ha), với sản lượng hằng năm trên 567.700 tấn, năng suất đạt từ 11 đến 13 tấn/ha.
Các giống xoài và đặc điểm xoài hiện được trồng tại Việt Nam
- Xoài Cát Hòa Lộc: Xuất phát từ Cái Bè (Tiền Giang), xoài có trái to, trọng lượng trái 400 – 600gr, thịt trái vàng, dẻ, thơm, ngọt, hạt dẹp, được coi là giống xoài có phẩm chất ngon. Thời gian từ trổ bông đến chín trung bình 3,5 – 4 tháng.
- Xoài Cát Chu: Phẩm chất trái ngon, thịt thơm ngọt có vị hơi chua, dạng trái hơi tròn, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr, vỏ trái mỏng. Đây là giống xoài ra hoa rất tập trung và dễ đậu trái, năng suất rất cao.
- Xoài Xiêm: Phẩm chất tương đối ngon, cơm vàng, thịt dẻo, mịn, hạt nhỏ, vỏ trái dày. Đây là giống dễ đậu trái, năng suất cao.
- Xoài Bưởi: Còn gọi là xoài ghép hay xoài 3 mùa mưa, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr, có nguồn gốc từ Cái Bè (Tiền Giang), giống xoài này có thể trồng được trên nhiều loại đất kể cả đất nhiễm phèn, mặn. Cây phát triển nhanh, nếu trồng từ hột cây cho trái sau 2,5 – 3 năm.
- Nam-dok-mai (Thái Lan): Tán thưa, lá to bản, mép gợn sóng. Trái nặng trung bình 320gr, hình bầu dục, đầu trái nhọn, vỏ mỏng láng, màu vàng đẹp, ngọt, thơm, hạt nhỏ. Từ khi nở hoa đến thu hoạch 115 ngày.
- Khiew-sa-woei (Thái Lan): Là giống xoài ăn xanh, cây phát triển mạnh, lá thon dài, đầu hơi nhọn, trái dài hơi cong, nặng trung bình 300gr.
- Yellow Gold (Đài Loan): là giống ăn sống, trái từ 800gr-1kg, phiến lá lớn, phát triển, phẳng, đuôi lá tròn, cây sinh trưởng tốt và dễ ra hoa, cho trái từ 2-3 năm sau khi trồng.
- R2E2 (xoài Úc): là giống có chất lượng trái ngon đang được phát triển trong thời gian gần đây, đặc biệt ở vùng Nha Trang-Khánh Hoà, An Giang. R2E2 có trái tròn, màu sắc vỏ trái đẹp, có mùi thơm đặc trưng, thịt trái ngọt, chắc và ít xơ; lá vặn hình xoắn ốc. Trong những năm gần đây xoài Úc có giá khá cao và ổn định.
Ngoài ra còn một số giống xoài như: Xoài Hòn, xoài Châu, xoài Thanh, xoài Thanh Ca... dễ trồng cho trái ổn định, năng suất cao.
Xem thêm ở link dưới đây...
Quy trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch xoài
Yêu cầu của đất trồng xoài
Do xoài là loài cây nhiệt đới nên có thể trồng xoài ở hầu hết những tỉnh thành trên nước ta, một vài yêu cần thiết về thổ nhưỡng của đất được dùng để thực hiện kỹ thuật trồng xoài có thể kể tới như sau:
- Những loại đất phù hợp: Đất đỏ bazan, đất feralit, đất vàng, đất phù sa cổ, đất xám, đất phù sa mới ven sông,… nhưng phù hợp nhất và được khuyên dùng là đất pha cát.
- Tầng canh tác phải có độ dày ít nhất từ 1,5 đến 2m
- Mực nước ngầm ít nhất phải cách mặt đất từ 2,5m trở lên So với những giống cây khác, xoài là giống cây có khả năng chịu úng và chịu hạn khá tốt, ít bị nhiễm những loại bệnh về rễ
- Độ pH thích hợp cho cây xoài sinh trưởng nằm trong khoảng 5,5 tới 7,0. Nếu độ pH nhỏ hơn hoặc trên mức này, cây sẽ sinh trưởng kém, cần có biện pháp để cải tạo đất
- Mặc dù đất màu mỡ có thể giúp cây phát triển khỏe mạnh hơn, nhưng ngược lại đối với cây xoài thì loại đất nhẹ kém độ màu mỡ lại giúp cây ra hoa và tăng khả năng đậu nhiều trái cho cây xoài. Đây là một trong những đặc điểm khác biệt của giống xoài.
- Trong trường hợp thực hiện cách trồng xoài ở những vùng miền thường xuyên ngập nước, bạn cần phải thực hiện đắp luống, sao cho ở thời kì mực nước dâng cao nhất trong năm phải có khoảng cách với gốc xoài ít nhất là 1m.
Thời vụ và mật độ trồng xoài
Thời vụ trồng xoài cũng là yếu tố rất quan trọng trong công cuộc thực hiện kỹ thuật trồng xoài, để đảm bảo cây có thể phát triển tốt, cho quả chất lượng, năng suất cao thì dưới đây là những thông tin cần biết:
- Thời vụ trồng: Nhìn chung việc thực hiện kỹ thuật trồng xoài tốt nhất là vào giai đoạn đầu mùa mưa, tuy nhiên nếu bạn có thể chủ động được trong việc nước tưới thì có thể tiến hành trồng xoài quanh năm, miễn là không gặp phải quá nhiều những biến cố về thời tiết như sương muối, rét hại, rét đậm…
- Mật độ trồng xoài: Mật độ trồng xoài thường nằm trong mức 300 cho tới 500 cây/ha, tương đương với kích thước 8x8m hoặc 10x10m, tuy nhiên ở thời kỳ đầu để tận dụng tối đa diện tích trồng xoài thì các bạn nên trồng xoài với mật độ dày hơn, sau đó tiến hành tỉa thưa dần. Khoảng cách trồng xoài ban đầu thường là 5x6m.
Lựa chọn giống xoài
- Trên thị trường có rất nhiều giống xoài khác nhau, nên lựa chọn những giống xoài có thị trường tốt, giá cả thu mua cao, thời gian bảo quản và lưu trữ được lâu mà không làm giảm chất lượng của quả xoài.
- Có thể kể tới một vài giống đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên như: xoài Cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Cát, xoài Bưởi, xoài Xiêm…
Chuẩn bị trồng xoài
Đất trồng xoài
- Đất được lựa chọn để trồng xoài cần được dọn sạch toàn bộ cỏ rác, cày xới cho đất được tơi xốp, nếu đất trước đó từng trồng những loại cây lâu năm khác, thì cần phải để cho đất nghỉ dưỡng từ 6 tới 12 tháng trước khi bắt tay vào trồng xoài.
- Trong khoảng thời gian này có thể tận dụng đất để trồng những loại rau màu có họ đậu, giúp bạn tăng thêm thu nhập cũng như có thể cải thiện được độ đạm ở trong đất. Xác của những loại cây màu này, sau khi thực hiện việc thu hoạch xong có thể tận dụng chúng để làm phân xanh rồi bón lại vào đất.
Hố trồng xoài
- Đối với những loại đất có độ bằng phẳng hoặc đất dốc có khả năng thoát nước tốt, các bạn thực hiện đào hố có kích thước 60 x 60 x 60cm. Bón lót vào mỗi hố một lượng 20 đến 30kg phân chuồng + 0,1kg kali + 1kg lân + 0,5kg vôi bột.
- Tiến hành trộn đều với lớp đất mặt và lấp vào hố, tiếp theo bạn tưới đẫm nước. Xung quanh bạn có thể đánh bồn với bán kính dao động từ 1m đến 1,5m, độ sâu khoảng 20 đến 30cm. Vun cao đất ở chính giữa của bồn.
- Cần thực hiện thời điểm xuống giống 1 đến 2 tháng. Việc làm này có tác dụng giúp cho hệ vinh sinh tăng trưởng, những thành phần dinh dưỡng có trong phân bón lót kịp phân hủy và sẵn sàng cung cấp cho cây xoài.
Trường hợp trồng xoài ở những vùng miệt vườn sông nước, nên thực hiện đào mương và đắp mô cao. Liều lượng phân bón cũng tương tự như khi tiến hành đào hố.
Kỹ thuật trồng xoài (xuống giống cây con)
- Ở chính giữa hố trồng xoài đã chuẩn bị từ trước đó, ta sử dụng cuốc xẻng đào một lỗ to hơn so với đường kính bầu ươm khoảng 10cm.
- Sử dụng dao kéo cắt lớp nilon của bầu ươm, nhẹ nhàng và từ từ xé bầu để tránh làm vỡ bầu.
- Đặt cây giống xoài nằm chính giữa hố trồng để cho cổ rễ bằng với mặt đất.
- Không nên trồng xoài quá sâu.
- Tiến hành lấp đất đồng thời bạn dùng chân nén nhẹ vùng đất xung quanh.
- Vun cao đất ở phần gốc để tránh tình trạng đọng nước.
- Khi trồng xoài xong cần nhanh chóng tiến hành tưới nước cho cây xoài và cắm cọc để cố định cây.
- Trường hợp bạn thực hiện kỹ thuật trồng xoài vào mùa khô, cần sử dụng rơm rạ, xác bèo, cỏ khô, trấu… để phủ vào gốc giúp duy trì độ ẩm cho cây, cây sẽ sinh trưởng nhanh hơn.
Chăm sóc cây xoài sau khi trồng
Cần thường xuyên theo dõi cây để khắc phục kịp thời những ảnh hưởng xấu mà cây xoài gặp phải, thường xuyên tưới nước và bón phân với liều lượng phù hợp để cây khỏe mạnh, phát triển tốt.
Tưới nước cho cây xoài
- Việc tưới nước là rất cần thiết trong thời điểm mới trồng xoài, ít nhất từ 3 tới 4 ngày bạn cần tưới 1 lần, về sau thì tưới với tần suất giãn ra tùy thuộc vào tình hình thời tiết, luôn đảm bảo rằng phần đất xung quanh gốc có đủ độ ẩm để cây không bị khô héo.
- Khi mùa khô tới, nên thực hiện phủ gốc bằng rơm rạ, xác thực vật tro trấu,… vừa ngăn ngừa cỏ dại, vừa giúp cây có đủ độ ẩm để sinh trưởng.
- Khi cây bước vào thời kỳ kinh doanh, bộ rễ đã sinh trưởng và ăn sâu thì việc tưới nước cho cây xoài chỉ cần chú ý ở những năm khô hạn đạt tới mức kỷ lục mà thôi.
Làm cỏ
Đối với những cây lâu năm nói chung và cây xoài nói riêng, thì thường được trồng với khoảng cách mỗi cây thưa, do đó phần diện tích đất trống bên dưới rất dễ mọc ra cỏ dại.
Ở những năm đầu tiên, khi tán xoài còn nhỏ, cần đặc biệt chú ý tới khâu làm cỏ, mỗi năm thực hiện việc làm cỏ 4 đến 5 lần, đặc biệt là mùa mưa. Tránh để trường hợp cỏ dại mọc quá nhiều, quá rậm rạp, lấy đi những chất dinh dưỡng và không gian phát triển với cây xoài.
Cách bón phân
Ở giai đoạn kiến thiết:
- Ưu tiên sử dụng phân bón NPK, chứa giàu chất đạm và lân có khả năng kích thích cành và bộ rễ, tỷ lệ Kali trong phân không cần quá nhiều. Mỗi năm cần tiến hành bón phân với tần suất 2 đến 4 lần, mỗi gốc xoài nên bón một lượng khoảng 0,5kg phân NPK.
Ở giai đoạn kinh doanh:
- Tăng lượng phân bón cho gốc xoài lên 2 đến 3kg/cây/năm. Chia nhỏ thành 3 đến 4 lần bón, ở thời kì cây nuôi trái cần bổ sung thêm nhiều Kali để tăng khả năng đậu trái và đảm bảo được chất lượng của trái xoài. Đối với những năm chúng ta được mùa, thì năm sau phải tăng liều lượng phân bón lên 30 đến 40% so với năm trước đó để giúp cây phục hồi và năng suất được nâng cao.
- Phân hữu cơ: Mỗi năm nên bổ sung cho mỗi gốc từ 10 tới 15kg phân chuồng, bón phân bằng cách đào rãnh có độ sâu khoảng 20 đến 30cm, rãnh có khoảng cách với gốc từ 1 đến 2m, thích hợp nhất là dựa vào hình chiếu của tán cây xoài, thời kỳ bắt đầu bón vào đầu mùa mưa. Trong thành phần của phân hữu cơ được sử dụng để bón cho cây xoài, nên đảm bảo chứa nấm đối kháng giúp bộ rễ sinh trưởng mạnh và hạn chế tối đa những loại nấm bệnh
- Phân trung vi lượng: Với kỹ thuật trồng xoài thì bón loại phân này bằng cách đổ vào gốc hoặc phun xịt qua lá, mỗi năm thực hiện đều đặn 2 đến 3 lần, tốt nhất là ở thời kỳ cây xoài đang ra chồi non và ra lá mới. Có thể kết hợp cùng với việc phun chung với thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu sức lao động.
Cắt tỉa cành tạo tán cho cây xoài
- Sau khi thực hiện kỹ thuật trồng xoài một khoảng thời gian (khoảng 3 tháng) từ phần chồi ghép nhú lên được 3 cơi lá (3 tầng lá) thì ta bắt đầu thực hiện hãm đọt, từ vị trí chúng ta chọn để hãm sẽ mọc ra một vài chồi, thực hiện nuôi 3 chồi khỏe mạnh nhất nằm đều quanh thân.
- Cho tới khi 3 chồi này mọc ra được 3 cơi lá thì lại thực hiện hãm ngọn lần 2, cứ tiến hành như vậy cho đến lần thứ 3 thì dừng lại và để cây xoài sinh trưởng tự nhiên.
- Mỗi năm bạn cần thực hiện việc cắt bỏ những cành mọc sâu trong tán, cành già cỗi, cành bệnh, cành mọc quá gần mặt đất, cành vụn của mùa trước, cuống quả, việc cắt tỉa cành cần được tiến hành ngay sau khi bắt tay vào thu hoạch xoài.
Thu hoạch và bảo quản xoài
- Mỗi giống xoài thì có một thời vụ thu hoạch khác nhau và tùy vào mục đích sử dụng của người dùng (dùng xanh hay dùng chín), vì vậy người ta thường xác định giai đoạn thu hoạch xoài dựa vào kinh nghiệm của bản thân và quan sát quả xoài.
- Thông thường khi đủ tiêu chuẩn để thu hoạch xoài, phần vỏ của quả sẽ chuyển dần sang màu vàng, một vài quả chín hẳn, có hương thơm đặc trưng.
- Lưu ý nhỏ khi thu hoạch xoài là nên hái cả cuống, sử dụng dụng cụ hái xoài chuyên dụng, tránh trường hợp để quả rơi từ trên cao xuống đất, sẽ bị bầm dập, trầy xước, làm giảm giá trị của sản phẩm.
- Khi vận chuyển xoài đi xa, nên xếp quả xoài vào trong thùng xốp, sọt đựng trái cây, xếp chồng nhau không vượt quá 5 lớp, giữa mỗi lớp và mỗi quả cần phải được lót rơm, giấy hoặc xốp bọc quả chuyên dụng.
Xem thêm ở link dưới đây...
Các bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Những loại sâu hại xoài phổ biến
Bản thân xoài là một loại trái cây nhiệt đới nên cây trồng này cũng phải đối mặt với các loại sâu bệnh hại cây ăn quả tiêu biểu như:
- Sâu đục cành non: Đây là loại sâu hại thường đẻ trứng sâu trong cành cây, trứng nở ra thành sâu ăn mòn xuống khiến cành bị chết khô, làm cây không thể tiếp tục sinh trưởng.
- Sâu cắn lá: gây hại ở cả vườn ươm và vườn sản xuất. Đặc biệt gây hại nặng vào giai đoạn vườn ươm cây con, sâu ăn đọt non và lá non khiến quá trình ươm kéo dài. Còn ở vườn sản xuất sâu gây hại chủ yếu khi cây ra đọt non, phát triển mạnh vào các tháng mùa khô.
- Rầy bông xoài: đây là loại sâu hại thường thấy gây ảnh hưởng lớn đến quá trình đậu trái. Rầy non và rầy trưởng thành chích hút lá, làm lá bị bẻ cong, khô ở ngoài rìa, hút chích hoa khiến hoa bị khô rồi rụng. Còn với trái, sau khi thụ phấn rụng xuống không thể tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó khi chích hút, rầy chích ra cả mật ngọt làm nấm bồ hòn phát triển gây đen bông và trái.
- Sâu đục trái: thường xuất hiện gây hại ở giai đoạn trái phát triển. Dấu hiệu nhận biết là trái bị nứt, thối ở phần cuối trái do sâu non đục vào, ăn phá bên trong.
Những loại bệnh hại hay xuất hiện trên xoài
Bệnh thán thư: Đây là bệnh hại phổ biến trong các vườn xoài, gây hại trên cả lá, bông và trái. Cụ thể, bệnh gây ra những đốm nhỏ màu nâu sẫm liên kết thành từng mảng và lan rộng ra khiến lá bị khô, hình thành các lỗ thủng trên lá. Bệnh khiến bông bị đen đi và rụng. Bệnh tấn công các cành cây non. Còn ở trên trái, xuất hiện những đốm màu nâu đen lõm vào gây thối trái.
Bệnh nấm hồng: được gây ra bởi loại nấm Corticium salmonicolor có biểu hiện như tên gọi, những mảng màu hồng do sợi nấm tạo thành sẽ xuất hiện trên bề mặt vỏ cây, thân cây hoặc nhánh cây. Nấm đặc biệt gây hại vào mùa mưa ẩm, trong những vườn cây lá rậm rạp.
Bệnh đốm đen: bắt nguồn từ vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Mangiferaindicae gây ra trên lá, chồi non và trái. Những đốm nâu đen nhỏ bắt đầu lan rộng tạo thành vết loét trên lá. Trên chồi non và trái sẽ có những vết nứt màu nâu đen, từ đây nhựa sẽ chảy xuống. Đặc biệt bệnh lây lan nhanh, làm chết cây hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại xoài hiệu quả
Trong thực tiễn, sâu bệnh hại xoài gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của cây, gây thất thoát sản lượng. Vậy nên, những biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại có vai trò quan trọng trong nuôi trồng xoài.
- Phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng thích hợp
- Thường xuyên chú ý vệ sinh vườn cây để ngăn ngừa sâu bệnh hại phát triển
- Cần cắt, tỉa, bỏ đi lá cây, mầm cây bị nhiễm bệnh, ngăn chặn sâu bệnh hại lan rộng
- Thu dọn, tiêu hủy ngay các trái hư hỏng để loại bỏ nguồn sâu bệnh
- Giữ vườn cây thông thoáng, tránh trồng quá dày tạo độ ẩm, hạn chế việc gây thương tích cho cây để ngăn cản sự xâm nhiễm của vi khuẩn gây bệnh
- Sử dụng bao trái khi trái còn nhỏ, đường kính khoảng 3 – 4 cm.
- Kiểm tra vườn cây định kỳ để nhanh chóng phát hiện mầm bệnh và đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Xem thêm ở link dưới đây...
Các vấn đề và thách thức
Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch
- Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%;
- Khâu phân loại chất lượng xoài tươi để tạo độ đồng đều về mặt chất lượng còn hạn chế, khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều;
- Công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập;
- Diện tích sản xuất đạt thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP còn hạn chế.
Được mùa mất giá
Xoài bán đầy đường với giá chỉ 10.000đ/kg (Theo Báo Phụ nữ)
- Việc đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, sản xuất manh mún, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ yếu do tự phát, theo phong trào, thiếu bền vững;
- Sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường;
- Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn yếu tố bất ổn.
- Một bộ phận nông dân của tỉnh vẫn còn nặng tư tưởng tự cung, tự cấp, ít chú trọng đến nâng cao chất lượng cũng như giá trị của các loại sản phẩm, chưa thực sự coi trọng sản xuất theo hướng hàng hóa đối với các mặt hàng nông sản.
- Không tìm được nguồn ra ổn định, không có bao tiêu nên dễ gặp tình trạng bị thương lái ép giá.
- Theo ước tính, có trên 80% lượng nông sản được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và do các tiểu thương mua trực tiếp của người sản xuất theo giá thỏa thuận. Tỷ lệ giao dịch mua bán qua hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm rất thấp, tính pháp lý không cao, dễ bị vi phạm.
Thời tiết tự nhiên
- Thiên tai (bão, lũ, hạn hán, rét đậm, xâm nhập mặn bất thường...), dịch bệnh dẫn đến giảm sản lượng cây trồng, vật nuôi.
- Các rủi ro dài hạn như biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát lấy đi nguồn lực của nông nghiệp... thường làm cho tác động của các cú sốc ngắn hạn thêm nặng nề và khó khắc phục.
Giống cây
- Như những giống cây trồng khác, giống cây rất quan trọng vì nó đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, nếu chọn những nguồn giống kém chất lượng sẽ dẫn tới tình trạng xoài bị rụng hoa, rụng trái non hoặc thậm chí là không ra hoa.
- Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực logistics, sau thu hoạch ngành hàng xoài còn hạn chế
Các nỗ lực cải tiến và đổi mới trong nông nghiệp trồng xoài
Xây dựng chuỗi giá trị xoài
- Nhóm nông dân ngoài hợp tác xã (HTX) có hiệu quả kỹ thuật cao hơn trong cả 3 vụ sản xuất, ngược lại nhóm nông dân trong HTX có hiệu quả kinh tế cao hơn trong cả 3 vụ sản xuất.
- Nhóm nông dân sản xuất xoài tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị đạt giá bán và lợi nhuận cao hơn nhóm nông dân không tham gia mô hình.
- Về quy trình chế biến nước xoài đóng hộp, kết quả phân tích thành phần hợp chất bay hơi trong nước xoài bằng kỹ thuật sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) ở các công đoạn (i) chần nguyên liệu (ở nhiệt độ 85oC đến khi vô hoạt hoàn toàn enzyme gây hóa nâu), và (ii) thanh trùng (ở nhiệt độ 90oC với giá trị thanh trùng PU thực tế đạt lớn hơn PU yêu cầu) đã giúp khẳng định các thông số công nghệ ở hai công đoạn quan trọng này.
Trồng xoài theo tiêu chuẩn
- Nông dân bắt đầu trồng xoài theo các dự án hỗ trợ của Nhà nước tăng thu nhập, giảm chi phí đầu vào.
- Trồng xoài theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP…
Định hướng phát triển của ngành trồng xoài trong thời gian tới
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD;
- Có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
- Tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
- Tăng cường liên kết, hợp tác để xuất khẩu thêm nhiều trên thế giới.
- Yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc, tăng cường việc cấp số mã vùng trồng để xuất khẩu.
- Chú trọng cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia.